NGƯỜI ĐÃ KHỎI BỆNH CÓ NGUY CƠ TÁI NHIỄM COVID-19 KHÔNG?

Ngày đăng: 07-12-2021 02:26:34

Đây là câu hỏi của rất nhiều người, đặc biệt là bệnh nhân sau khỏi bệnh. Nếu bạn đã từng dương tính với Covid 19 thì cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể tự nhiên chống lại nó. Tuy nhiên, thời gian kéo dài bao lâu thì vẫn đang được nghiên cứu và chưa có câu trả lời chính thức.

Nguy cơ tái nhiễm Covid là có và đã được ghi nhận trên thế giới. Những ca tái nhiễm vì SAR-CoV2 có nhiều biến chủng khác nhau, nếu bị nhiễm bởi chủng khác có thể tái nhiễm và miễn dịch của cơ thể không kéo dài. 

Tái nhiễm và tái dương tính là gì?

Tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh đó lần thứ 2. Trong những trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã âm tính nhiều lần, nhân viên y tế phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm khác như: xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ khác để khẳng định bệnh nhân chưa khỏi hoặc xác nhận bệnh nhân đã khỏi bệnh, tái dương tính hay tái nhiễm. 

Tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, sau đó lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó. Tại Việt Nam, có một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi được ra viện, những ca này hầu như không lây nhiễm virus cho người khác.

Có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, do đó, để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gen, nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm. "Thực tế, nếu một trường hợp nhiễm lần 2 sau khi khỏi bệnh lần đầu trên 9 tháng thì mặc nhiên coi đó là tái nhiễm". 

Nguy cơ tái nhiễm như thế nào?

Theo kết quả của nghiên cứu tại Anh về "Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN" cho thấy những người đã từng nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus tới giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.

Tái nhiễm ở những người có kháng thể là rất thấp - các chuyên gia đã xác định được 44 trường hợp tái nhiễm tiềm ẩn trong số 6.614 người tham gia đã cho thấy bằng chứng về nhiễm trùng trước đó. Tuy nhiên, bằng chứng ban đầu cũng cho thấy một số ít người có kháng thể vẫn có thể mang và truyền COVID-19.

 

Một nghiên cứu khác tại Đại học Y khoa Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 là 63 trên tổng số 9.119 bệnh nhân (0,7%) bị nhiễm COVID-19 nặng đã nhiễm virus lần hai, với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Trong đó, có hai người (3,2%) đã chết. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine. Những bệnh nhân không phải da trắng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn những bệnh nhân da trắng.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỉ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể có giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không là tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh. 

Có những loại virus tạo được kháng thể suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị. Tuy nhiên cũng có loại virus chỉ tạo được kháng thể trong thời gian ngắn hơn, hoặc thậm chí rất ngắn như cúm hoặc có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như viêm gan C, HIV… Khả năng tạo kháng thể mạnh hay yếu cũng tùy vào đặc tính riêng của từng người. Với virus SARS-CoV-2 thậm chí kháng thể này còn giảm nhanh hơn.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine cho thấy chỉ tám tuần sau khi hồi phục sau nhiễm Covid-19, 40% người không có triệu chứng thấy kháng thể của họ giảm xuống mức không thể phát hiện. Và trong thời gian tám tuần, 13% số người có triệu chứng Covid-19 cũng bị giảm các kháng thể trong máu của họ xuống mức không thể phát hiện. Đây là điều đáng lo ngại về sự suy giảm nhanh chóng các kháng thể trong máu và nguy cơ tái nhiễm sau này.

Vì vậy, kể cả những người đã khỏi bệnh hoặc đã có kháng thể trong người đừng chủ quan mà hãy luôn bảo vệ thật tốt sức khoẻ của mình bằng cách thực hiện khẩu hiệu 5K, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thường xuyên súc họng bằng nước súc miệng khử khuẩn, tăng cường sức đề kháng và dinh dưỡng (sữa cao năng lượng), sinh hoạt lành mạnh...

 

Bài viết liên quan